Vietnam – Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần

0
1022

Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 1

 —————

Ngày 7/12/2018, trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Tp.HCM) và Khu công nghệ phần mềm (ĐH Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh) đã cùng phối hợp với các trường đại học ở khu vực Châu Á tổ chức thành công hội thảo khoa học quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 1 với chủ đề Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Kinh nghiệm các quốc gia châu Á và bài học cho vùng Thành phố Hồ Chí Minh”. 

DIỄN ĐÀN HỌC THUẬT KẾT NỐI CÁC NHÀ KHOA HỌC CHÂU Á

Sáng kiến tổ chức hội thảo Viễn cảnh Đông Nam Bộ của 03 đơn vị đồng sáng lập là  trường ĐH Thủ Dầu Một, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Tp.HCM  và Khu công nghệ phần mềm ĐH Quốc gia Tp.HCM và 04 đơn vị đồng tổ chức là ĐH Hiroshima (Nhật Bản), ĐH Mahachulalongkornrajaviyalaya (Thái Lan), ĐH Quốc lập Thành Công (Đài Loan), Đại học Quốc gia Chinan (Đài Loan) đã nhận được sự hưởng ứng  của nhiều cơ quan khoa học và giáo dục danh tiếng hàng đầu Châu Á. Hội thảo quy tụ 57 báo cáo khoa học của các học giả có trình độ chuyên môn sâu từ nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, những tham luận trình bày, những trao đổi chuyên sâu của các học giả giàu kinh nghiệm như PGS.TS Nantana Gajaseni – Quyền Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA), ông Trần Đức Cảnh – chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, TS.TAN Geok Chin Ivy – ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore, lãnh đạo các trường đại học đến từ Thái Lan, Đài Loan, Việt Nam,… đã góp các góc nhìn đa dạng và đáng tin cậy về kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội, giáo dục của các quốc gia và xu hướng dự báo cho Việt Nam….

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp – Chủ tịch Hội đồng trường ĐH Thủ Dầu Một, từ khởi đầu hội thảo, các trường thành viên mong muốn hướng đến xây dựng một diễn đàn học thuật giàu ý nghĩa để các nhà khoa học trong nước và quốc tế công bố kết quả nghiên cứu của mình, giao lưu, chia sẻ học thuật trong nghiên cứu về miền Đông Nam Bộ từ nhiều lăng kính khác nhau, là nơi trải nghiệm lý tưởng của các nhà khoa học, nhất là việc hấp thụ, bồi dưỡng năng lực nghiên cứu và công bố khoa học trên các tạp chí quốc tế.  Với mục tiêu thiết thực đó, hội thảo sẽ  được tổ chức luân phiên ở các đơn vị phối hợp qua từng năm. Thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương tham dự hội thảo, ông Lê Hữu Phước – Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương vui mừng cho biết, chủ đề của hội thảo đặt trọng tâm vào vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, kinh nghiệm các quốc gia châu Á và bài học cho vùng thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức tại Trường ĐH Thủ Dầu Một có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược phát triển nguồn nhân lực của Tỉnh. Ông tin tưởng, hội thảo sẽ cung cấp những tri thức khoa học quan trọng trên cả hai phương diện lý thuyết và thực tiễn, góp phần cho các cấp Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Dương có thêm cơ sở khoa học trong việc hoạch định chính sách quy hoạch, xây dựng, đầu tư, phát triển tỉnh Bình Dương hướng tới mục tiêu bền vững, văn minh, hiện đại. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu được công bố tại hội thảo sẽ giúp cho Bình Dương có thể giới thiệu rộng rãi hơn về tiềm năng, cơ hội đầu tư, mời gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác vào các ngành sản xuất ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, cơ khí, xây dựng đô thị, thương mại dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực…

Đi vào nội dung hội thảo, Ban tổ chức đã triển khai phiên thảo luận ở 3 tiểu ban với 3 chủ đề: Giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ; Chính sách,quản lý, Kinh tế; Văn hóa xã hội. Đặc biệt, nổi bật lên trong các ý kiến trao đổi, bàn luận của các học giả, hội thảo nhận thấy có hai chủ đề rất quan trọng cần phải được tiếp tục bàn thảo kỹ lưỡng hơn trên cả hai bình diện khoa học và thực tiễn, đó là vấn đề Trường đại học với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0  Giáo dục đại học với doanh nghiệp. Ban tổ chức đã triển khai phiên đối thoại chung về hai chủ đề nhằm tạo diễn đàn giúp đại biểu cùng trao đổi, thảo luận, bình luận cùng các nhà khoa học có trình độ chuyên môn sâu, nhiều kinh nghiệm khoa học thực tiễn trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực châu Á.

PHIÊN LÀM VIỆC CHUYÊN SÂU

15 báo cáo khoa học được trình bày tại các tiểu ban cùng nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận, các nhà khoa học, tập trung bàn thảo đa chiều về những vấn đề vừa quan trọng, vừa cấp thiết về nguồn nhân lực chất lượng cao ở vùng thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể:

* Tiểu ban 1 – Giáo dục và Khoa học công nghệ. Các học giả đã tập trung nêu bật vai trò của giáo dục Việt Nam đối với việc đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học công nghệ đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ảnh hưởng của chính phủ và cơ chế thị trường đối với sự phát triển của các cơ sở đào tạo giáo viên tại Đài Loan; kinh nghiệm giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp trong bối cảnh mới; Vấn đề tổ chức đào tạo và đào tạo lại cho lao động: Tình hình trong các doanh nghiệp thuộc vùng Thành phố Hồ Chí Minh và kinh nghiệm của các doanh nghiệp ở châu Á; Hợp tác quốc tế (khu vực châu Á) trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; Các công nghệ mới của thế giới và những tác động của chúng đối với nền kinh tế châu Á; Chiến lược phát triển các công nghệ mới của thế giới tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới; Những vấn đề đặt ra và bài học kinh nghiệm của việc ứng dụng các công nghệ mới trên thế giới trong phát triển doanh nghiệp tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

* Tiểu ban 2 – Quản lý, chính sách và kinh tế. Các nhà nghiên cứu trình bày kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0; chính sách quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của chính quyền địa phương và doanh nghiệp; chiến lược thu hút, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong các doanh nghiệp hiện đại; dự báo về nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho vùng Thành phố Hồ Chí Minh; Giải pháp phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam; Đánh giá chính sách về thỏa thuận khung hợp tác kinh tế xuyên eo biển giữa Đài Loan và Trung Quốc; Nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp FDI ở Bình Dương…

* Tiểu ban 3 – Văn hóa xã hội. Các tác giả tham luận và đại biểu đã cùng thảo luận về thực trạng đời sống (kinh tế, văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng, tâm lý,…) của người lao động tại các doanh nghiệp trong xu thế nâng cao chất lượng nguồn nhân lực;  những vấn đề an sinh xã hội và xây dựng văn hóa trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Đồng thời, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo nghề lao động nông thôn – Giải pháp phát triển bền vững của tỉnh Bình Dương, Chương trình cử nhân tài năng – một mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của trường ĐH KHXH&NV Tp.HCM; Phát triển nguồn nhân lực: vai trò của ĐH Srinakharinwirote…  đã nhận được sự quan tâm của nhiều học giả.

PHIÊN ĐỐI THOẠI CHUNG

Tại phiên đối thoại chung, những tác động đa chiều của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với cơ cấu lao động và thị trường lao động; những thách thức của nguồn nhân lực ở Việt Nam nói chung, ở vùng thành phố Hồ Chí Minh nói riêng khi đối diện với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vai trò của trường đại học, của doanh nghiệp trong việc xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ mới; các giải pháp đổi mới, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đối với công tác đào tạo – giải pháp then chốt để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.… là những vấn đề trọng tâm được các diễn giả khách mời và đại biểu quan tâm và thảo luận.

Chủ đề “Trường đại học với cách mạng công nghiệp 4.0”, với sự tham gia đối thoại của các diễn giả là những chuyên gia uy tín trong lĩnh vực giáo dục đại học trong nước và nước ngoài như: PGS.TS Nantana Gajaseni – Quyền Chủ tịch Hội đồng Đảm bảo chất lượng Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA); TS. Lampong Klomkul – ĐH Mahachulalongkornrajaviyalaya (Thái Lan); TS. Tan Geok Chin Ivy – ĐH Công nghệ Nanyang (Singapore) và PGS.TS Hoàng Trọng Quyền – Phó Hiệu trưởng ĐH Thủ Dầu Một. Cùng với kiến thức, kinh nghiệm quản lý, các diễn giả đã thảo luận về vai trò, định hướng, chiến lược phát triển của các trường đại học trong đào tạo để tạo ra nguồn lực lao động công nghệ cao cho cách mạng công nghiệp 4.0; vai trò của giảng viên trong ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy, phát triển định hướng tư duy, kiến thức cần thiết để đáp ứng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; vai trò của sinh viên trong nhận thức yêu cầu của công nghiệp 4.0 để phát triển bản thân, tham gia nghiên cứu, sáng tạo, tiếp thu khoa học công nghệ làm năng lực, hành trang của bản thân khi ra trường; hiện trạng của giáo dục của các trường đại học Việt Nam và trên thế giới trong thay đổi đáp ứng công nghiệp 4.0. Từ thực tế trên, các diễn giả cho rằng, việc học tập kinh nghiệm, mô hình giáo dục từ các cơ sở giáo dục uy tín trên thế giới nói chung, các nước trong khu vực châu Á nói riêng để có thể đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề rất quan trọng. Đặc biệt, các trường cần chủ động tìm kiếm, lên kế hoạch liên kết, hợp tác giữa các đơn vị trong phát triển giáo dục đại học 4.0.

Tiếp nối ngay sau phiên đối thoại 1 là phiên đối thoại với chủ đề “Giáo dục đại học với doanh nghiệp” có sự tham gia của các khách mời: ông Trần Đức Cảnh – Chuyên gia giáo dục Hoa Kỳ, TS. Lê Hữu Phước – Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV Tp.HCM, TS. Nguyễn Việt Long – Giám đốc Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Tổng công ty Becamex, GS. Chien-Liang Chen – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quản lý thuộc ĐH Tế Nam, Đài Loan. Các khách mời đối thoại và đại biểu đã trao đổi về bức tranh chung của nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay trong tương quan với các nước tiên tiến, nhận diện khoảng cách giữa doanh nghiệp và nhà trường thông qua các kênh phản hồi từ doanh nghiệp và cựu sinh viên, vai trò của doanh nghiệp trong chu trình đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, làm cách nào để rút ngắn “độ trễ” giữa nhà trường với doanh nghiệp. Theo đó, các khách mời cũng đề xuất các giải pháp dựa trên các mô hình thực tiễn như đề xuất thành lập Hội đồng nhà trường có sự tham dự độc lập của nhiều thành phần khác nhau nhằm cung cấp những đề xuất cải tiến khách quan cho trường học, hay mô hình 3 nhà như tỉnh Bình Dương đang triển khai trong xây dựng thành phố thông minh nhằm khai thác lợi thế của các bên liên quan để đáp ứng nhu cầu tốt nhất cho nhau,…

MỞ RA LIÊN KẾT MỚI TRONG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Sau gần một năm nối kết, chuẩn bị và tổ chức, hội thảo quốc tế “Viễn cảnh Đông Nam Bộ” lần 1 với sự tâm huyết của các đơn vị tham gia đã kết thúc tốt đẹp. Phát biểu bế mạc hội thảo, TS. Lê Hữu Phước – Phó Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV Tp.HCM vui mừng khẳng định, hội thảo đã thể hiện sự liên kết hiếm có trên tinh thần đồng thuận tham gia của các đơn vị đào tạo nghiên cứu trong và ngoài nước, quy tụ đội ngũ hàng trăm nhà khoa học, chuyên gia, giảng viên của các trường đại học danh tiếng Việt Nam và nước ngoài. Các ý kiến trao đổi của các nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp là hết sức lý thú và giàu ý nghĩa thực tiễn. Những gợi ý giá trị góp phần làm sáng tỏ hơn các quan niệm và kinh nghiệm thực tiễn về chiến lược xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam, ở vùng TP.HCM trong thời ký đẩy nhanh tiến trình CNH-HĐH. “Từ kết quả của sự hợp tác và liên kết giàu sáng kiến này đã chứng minh một thực tế hiển nhiên là trong thế giới hiện đại ngày nay không tồn tại khoảng trống ngăn cách các xã hội văn minh, nếu ở chúng ta luôn có khát vọng xích lại bên nhau để cùng sẻ chia, cảm thông bằng tấm lòng nhân ái trên hành trình tiến bộ…” – TS Lê Hữu Phước đúc kết.

Một kết quả khả quan khác từ hội thảo là đã mở ra cơ hội liên kết hợp tác các trường đại học thông qua hoạt động ký kết MOU giữa ĐH Thủ Dầu Một, ĐH KHXH&NV Tp.HCM với các trường đai học Đài Loan, Thái Lan, Nhật Bản vào chiều ngày 6/12/2018.


Các đại biều trao đổi sôi nổi tại tiểu ban Văn hóa xã hội

Tiểu ban
 Quản lý, chính sách và kinh tế có sự tham gia chủ tọa của các nhà khoa học giàu kinh nghiệm tại các trường đại học Tp.HCM


PGS.TS Đặng Huỳnh Mai – Nguyên thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật tỉnh Vĩnh Long trình bày tham luận tại Tiểu ban Giáo dục và khoa học công nghệ
Phiên đối thoại với chủ đề “Trường đại học với cách mạng công nghiệp 4.0” mở đầu bằng phát biểu ấn tượng của PGS.TS Nantana Gajaseni

Phiên đối thoại với chủ đề “Giáo dục đại học với doanh nghiệp” thu hút nhiều sự trao đổi của đại biểu và khách mời 

Thành công của hội thảo đến từ kiến thức uyên bác, tinh thần trách nhiệm của các diễn giả, khách mời uy tín trong và ngoài nước 
——-
คลิกไปยังแหล่งข้อมูลเดิม/Link   Tổ chức thành công Hội thảo quốc tế Viễn cảnh Đông Nam Bộ lần 1

ทิ้งคำตอบไว้

Please enter your comment!
Please enter your name here